Ngành kế toán là gì? Cơ hội việc làm sinh viên kế toán mới ra trường
Kế toán vốn là ngành nghề rất phổ biến và có tính ổn định cao được giới trẻ lựa chọn nhiều nhất hiện nay. Ngành nghề này giữ vai trò quan trọng trong bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào. Vậy ngành kế toán là gì? Cơ hội việc làm của sinh viên kế toán mới ra trường như thế nào? Nội dung bài viết dưới đây sẽ cập nhật đầy đủ thông tin để phụ huynh và thí sinh hiểu hơn về ngành nghề này.
Xem thêm
- Nghề Headhunter: Tìm hiểu nghề Headhunter
- Nghề tiếp thị là gì? Tố chất & Kỹ năng cần có nhân viên tiếp thị
- Broker (Nghề môi giới chứng khoán)? Kỹ năng & Công việc Broker
Ngành kế toán là gì?
Ngành kế toán là gì?
Khái niệm “ ngành kế toán là gì?” được hiểu một cách đơn giản là công việc ghi chép, thu chi, xử lý và cung cấp các thông tin về tình hình hoạt động kinh tế tài chính của tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan. Nói chuyên sâu thì kế toán là ngành thực hiện quá trình thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin về tài sản, nguồn hình thành tài sản và sự vận hành tài sản trong doanh nghiệp, tổ chức.
Từ đó, cung cấp thông tin tài chính hữu ích để đưa ra những quyết định về kinh tế- xã hội và đánh giá hiệu quả hơn các hoạt động trong tổ chức, doanh nghiệp. Kế toán cho biết doanh nghiệp bạn có đang tạo ra lợi nhuận hay không. Dòng tiền mang về cho doanh nghiệp là bao nhiêu, giá trị hiện tại của tài sản và nợ phải trả cũng như bộ phận nào đang kiếm ra tiền.
Kế toán bao gồm những chuyên ngành nào?
Hiện nay, ngành kế toán được chia ra làm nhiều chuyên ngành khác nhau. Mỗi chuyên ngành giữ vai trò, chức vụ chi tiết khác nhau trong các tổ chức, doanh nghiệp. Các chuyên ngành của nghề kế toán hiện nay bao gồm:
Kế toán doanh nghiệp
Với chuyên ngành này, sinh viên được đào tạo chuyên sâu về kế toán tài chính, kế toán quản trị, quy trình hạch toán các nghiệp vụ kế toán, tổ chức công tác kế toán. Một kế toán doanh nghiệp sẽ có kiến thức về thuế- tài chính doanh nghiệp, am hiểu các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.
Kế toán công
Chuyên ngành này trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu về kế toán công tại các đơn vị quản lý tài chính công, cơ quan, đơn vị, tổ chức được nhà nước quyết định thành lập. Bao gồm như kế toán hành chính sự nghiệp, kế toán ngân sách nhà nước, kế toán tài chính ngân sách xã, kế toán thu ngân sách nhà nước tại cơ quan thuế, hải quan,…
Những người đảm nhiệm vị trí kế toán công phải nắm chắc quy trình hạch toán các nghiệp vụ kế toán, quy trình tổ chức công tác kế toán. Đồng thời phải nắm được kiến thức bổ trợ bao gồm quản lý tài chính công, quản lý thu- chi Ngân sách Nhà nước… am hiểu chuẩn mực kế toán công và chế độ kế toán trong lĩnh vực công cũng như lĩnh vực tư.
Kiểm toán
Kiểm toán là chuyên ngành được khá nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký. Với chuyên ngành này, sinh viên sẽ được trang bị kỹ năng thực hành công việc kiểm toán thông qua hệ thống bộ môn chuyên sâu. Bao gồm các bộ môn như: Kế toán tài chính, kế toán chi phí, kế toán quản trị, hệ thống thông tin kế toán, tài chính công, kiểm soát nội bộ, kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán hoạt động và luật doanh nghiệp….
Chuyên ngành kế toán tài chính
Đây là chuyên ngành kế toán tập trung vào việc soạn thảo các báo cáo hàng năm cho cổ đông và tổng kết hoạt động chung của doanh nghiệp. Chuyên ngành này được đào tạo cử nhân nắm vững kiến thức cơ bản về kinh tế- xã hội. Bên cạnh đó, được đào tạo thêm kiến thức chuyên sâu về kế toán tài chính, kế toán quản trị, nắm chắc quy trình hạch toán các nghiệp vụ kế toán, quy trình tổ chức công tác kế toán… Ngoài ra, sinh viên cần phải nắm được hệ thống kiến thức cơ bản về thuế, tài chính doanh nghiệp và am hiểu chuẩn mực, chế độ của kế toán.
Sinh viên ngành kế toán học những gì?
Sinh viên kế toán phải học những gì?
Sinh viên theo đuổi nghề kế toán được cung cấp đầy đủ kiến thức về khung pháp lý của kế toán kiểm toán, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế. Một sinh viên học kế toán sẽ nắm được các quy định về đạo đức nghề nghiệp cũng như kiến thức về thu thập, xử lý, kiểm tra.
Thông qua nghiệp vụ kế toán như tính phí, làm dự toán, phân bổ ngân sách, quản lý doanh thu theo sát kế hoạch của doanh nghiệp sẽ cung cấp thông tin tình hình tài chính, hiệu quả hoạt động kinh doanh. Ngoài hệ thống kiến thức nền tảng, tổng quan, sinh viên kế toán được trang bị những kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lập kế hoạch, quản lý thời gian…
Đồng thời, sinh viên sẽ được tiếp thu những môn học phục vụ đắc lực cho nghề nghiệp như: Nhập môn tài chính tiền tệ, nguyên lý kế toán, ứng dụng tin học trong kinh doanh, phân tích báo cáo tài chính, kế toán công ty chứng khoán, lập và trình bày báo cáo tài chính, thuế… Từ đó hoàn thiện bản thân và nghiệp vụ kế toán cho mình.
Công việc chính của kế toán là gì?
Thông thường, chúng ta chỉ hiểu sơ khai, đơn giản về công việc của kế toán là làm việc với những con số, sổ sách mà chưa hiểu chi tiết công việc hàng ngày. Với mỗi vị trí kế toán sẽ đảm nhiệm những công việc thuộc lĩnh vực riêng của mình.
Công việc chung của nhân viên kế toán
Nhìn chung, công việc hàng ngày của một nhân viên kế toán sẽ bao gồm:
- Thu thập thông tin về tình hình tài chính, hoạt động kinh tế trong doanh nghiệp. Tiến hành xử lý thông tin, sát sao tài chính phát sinh và thống kê lên giấy tờ, sổ sách theo tháng để chủ doanh nghiệp nắm bắt hoạt động của công ty.
- Giám sát, kiểm soát các chứng từ, hóa đơn thu chi hàng ngày để đảm bảo tính chính xác của hoạt động thu chi, xuất nhập hàng hóa.
- Ghi chép, thống kê chi tiết các hoạt động kinh tế tài chính phát sinh chính xác, cụ thể nhất. Từ những ghi chép đó, tổng hợp thành bảng báo cáo và đưa vào sổ kế toán quản lý, báo cáo với cấp trên.
- Cuối tháng, cuối quý kế toán phải tổng hợp những thông tin, hoạt động tài chính phát sinh hàng ngày để lập báo cáo công việc gửi lên cấp trên. Từ những báo cáo theo quý, theo tháng của nhân viên kế toán, chủ doanh nghiệp sẽ nắm bắt được tình hình hoạt động kinh doanh của cơ sở và điều chỉnh sao cho phù hợp nhất.
Công việc chi tiết từng vị trí kế toán
Ngoài ra, ở mỗi vị trí kế toán lại có những công việc đặc thù riêng như:
- Kế toán thuế: Xử lý các vấn đề liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác cho doanh nghiệp.
- Kế toán tổng hợp: Tổng hợp tất cả các công việc liên quan đến tình hình tài chính của doanh nghiệp, tổ chức.
- Kế toán bán hàng: Đảm nhiệm những công việc liên quan đến hoạt động mua bán, xuất nhập hàng hóa của doanh nghiệp cho đối tác. Vị trí này phải đảm bảo tính chính xác của các hóa đơn, chứng từ hàng hóa liên quan.
- Kế toán kho: Giải quyết công việc trong phạm vi kho hàng, giám sát bảng tồn kho, tình hình hàng hóa trong kho còn hoặc hết để báo cáo với cấp trên đề ra phương án điều chỉnh phù hợp.
Nói chung, mỗi vị trí kế toán đều có trách nhiệm hoàn thành tốt công việc của mình và sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp khác khi cần. Đối với doanh nghiệp, khi xây dựng được đội ngũ nhân viên kế toán dày kinh nghiệm, năng động, chủ doanh nghiệp sẽ dễ dàng bao quát được tình hình tài chính cũng như hoạt động kinh doanh của cơ sở mình.
Công việc của từng vị trí nghề kế toán
Cơ hội việc làm của sinh viên kế toán mới ra trường
Khi nhắc đến nhóm ngành kinh tế, chúng ta thường nhận định rằng cơ hội việc làm không cao, nhu cầu nhân lực ít, mức độ cạnh tranh lớn… Tuy nhiên, nhận định này chưa chắc chắn đúng và chính xác. Bởi kế toán hiện đang là một bộ phận không thể thiếu trong các tổ chức, doanh nghiệp nào từ nhà nước đến tư nhân.
Thực tế cho thấy, nhu cầu nhân lực và thị trường việc làm dành cho sinh viên ngành kế toán là rất lớn. Đặc biệt là những sinh viên kế toán giỏi, có kinh nghiệm làm việc. Tùy thuộc vào chuyên ngành, bậc học cũng như thế mạnh của bản thân, sinh viên kế toán sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm những công việc như:
- Chuyên viên phụ trách kế toán, kiểm toán, thuế, giao dịch ngân hàng.
- Kiểm soát viên, thủ quỹ, tư vấn tài chính tại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trong cơ quan quản lý tài chính nhà nước, các đơn vị thuộc lĩnh vực công, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ…
- Nhân viên môi giới chứng khoán, nhân viên quản lý dự án tại các công ty chứng khoán, ngân hàng.
- Kế toán trưởng, trưởng phòng kế toán, quản lý tài chính.
- Giám đốc tài chính- CFO ở tất cả các loại hình doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
- Nghiên cứu, giảng viên hoặc thanh tra kinh tế…
Ngoài ra, sinh viên ngành kế toán còn có thể tự tin ứng tuyển vào các vị trí kế toán tại các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp gia đình. Như vậy cho thấy, cơ hội việc làm của ngành kế toán rất rộng lớn và dễ dàng thăng tiến, phát triển trong tương lai.
Lộ trình thăng tiến của ngành kế toán
Lộ trình thăng tiến thông thường của một nhân viên kế toán sẽ trải qua những chức vụ sau:
Kế toán viên
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành kế toán có thể ứng tuyển vào vị trí kế toán viên tại bộ phận kế toán của các công ty, doanh nghiệp. Mức lương cơ bản của vị trí này khoảng từ 300- 600$/ tháng.
Vì còn thiếu kinh nghiệm và trình độ chuyên môn yếu nên bạn có thể chọn đảm nhiệm một mảng phù hợp nhất định như kế toán thanh toán, kế toán kho… Trong thời gian làm việc, bạn có thể theo học khóa học nghiệp vụ kế toán để nâng cao và bổ trợ thêm kiến thức cho mình.
Kế toán tổng hợp
Khi bạn đã tích lũy và có kinh nghiệm làm việc từ 2- 3 năm, trình độ chuyên môn vững vàng, có khả năng tổng hợp bao quát các hoạt động kế toán của doanh nghiệp thì có thể đảm nhiệm chức vụ kế toán tổng hợp. Mức lương cơ bản của vị trí kế toán tổng hợp từ khoảng 500- 1200$/ tháng.
Kế toán trưởng
Kế toán trưởng là người đứng đầu bộ phận kế toán của doanh nghiệp. Khi đủ kinh nghiệm làm việc bạn sẽ được cân nhắc lên vị trí này và đảm nhiệm công việc hướng dẫn, chỉ đạo công việc cho các kiểm toán viên sao cho hợp lý nhất. Bên cạnh đó, kế toán trưởng sẽ là người tham mưu cho ban lãnh đạo về tài chính, kế toán doanh nghiệp. Đây là vị trí cao nhất của người làm nghề kế toán. Mức lương cơ bản sẽ từ 1000- 2000$/ tháng.
Nghề kế toán và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên
Kết luận
Trên đây là toàn bộ thông tin chi tiết về ngành kế toán chúng tôi chia sẻ cùng quý phụ huynh và các thí sinh. Nếu bạn chưa biết lựa chọn ngành nghề nào phù hợp và ổn định cho tương lai thì có thể cân nhắc nghề kế toán.